samedi 5 décembre 2015

CÂU CHUYỆN ÔNG TRỜI





CÂU CHUYỆN ÔNG TRỜI

Lm. Anphong Trần Đức Phương


LTS: Trang AVTC tháng 12, nhân dịp Lễ Giáng Sinh, chúng tôi có đưa lên bài viết của ông Vũ Khánh Thành về liên hệ giữa Con Người và Thượng Đế, quan niệm về Thượng Đế qua các nền văn minhi, quan niệm về Thượng Đế trong Thánh Kinh cựu ước và tân ước .. đồng thời thời ông nhấn mạnh đến việc Sống Đạo theo nghĩa “tận nhân lực qui thiên mạng, đạo không thể tách khỏi đời, thiên đàng và trần gian, đạo đời ly biệt, nhà thờ và cuộc sống, người có đạo kẻ vô đạo” v.v …
Chúng tôi vừa nhận được bài viết sau đây của LM Trần Đức Phương, xin đăng lại để rộng đường dư luận. Quan niệm về Ông Trời trong văn hóa VN thật đậm đà rõ nét trong ý nghĩa “có trời mà cũng có ta, thiên địa vạn vật đồng nhất thể, thiên lý tại nhân tâm, xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” … Đây là những quan niệm trong cuộc sống, những luân lý tự nhiên thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nó khác với quan niệm về Thượng Đế trong các tôn giáo độc thần như của Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo. Đó là một tôn giáo, một chủ thuyết, khác với một ý niệm. Ý niệm về “bình sản”, ý niệm về “lao động sản xuất” đã có từ lâu và bàng bạc trong các nền văn minh nhưng khi nó trở thành một chủ thuyết như của Marx, Engel và Hegel thì khác nhau một trời một vục. Chủ thuyết này sau đó được đưa vào thực hành trong chính trị của Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông đã thực hiện … thì không còn là chuyện trong ý niệm nữa mà đã trở thành một thẩm họa khủng khiếp nhất cho nhân lọai. Một quan niệm về Ông Trời trong văn hóa nhân gian Việt Nam, nó khác với Thượng Đế trong tôn giáo như Đấng Allah của Hồi Giáo một trời một vục. Nó không còn là ý niệm nữa mà máu đổ thịt rơi hàng ngày như hiện nay hay chiến tranh Thập Tự quân hồi Trung Cổ … Trong bài “Con Người và Thượng Đế” tác giả chỉ nhấn mạnh đến ý nghĩa đạo học chứ không nói đến khía cạnh tổ chức của giáo hội công giáo cũng như không nói đến những thành quả giáo dục và xã hội rất lớn lao mà giáo hội mang lại cũng như không nói đến những sự hy sinh của hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ và tu sĩ cho tha nhân, tưởng không ai có thể chối bỏ được. Cũng nhờ đạo yêu thương bác ái mà Kitô giáo mang lại, đã cứu vãn nền văn minh Tây Phương khỏi bị xụp đổ theo với văn minh Hy Lạp và La Mã.
Xin mời quí vị đọc bài “Câu chuyện Ông Trời”.
Những người chủ trương “Vô thần” trong những thế kỷ trước đây, đặc biệt Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), Jean-Paul Sartre ( 1905-1980), đã tuyên bố “Thiên Chúa đã chết!” (Dieu est mort! God is dead!).
Sartre đã chết vào năm 1980. Hồi đó có người đã đăng lên báo lời Cáo phó: “Jean-Paul Sartre đã chết” và dưới ký tên “Thiên Chúa.”
Nietzche đã chết! Sartre đã chết! Những đồ đệ của các ông hồi đó, bây giờ cũng đã chết. Các danh nhân hào kiệt một thời lừng lẫy tên tuổi như Thành Cát Tư Hãn, A-Lịch-Sơn Đại Đế, các Hoàng Đế Rôma uy phong lẫm liệt, Tần Thủy Hoàng, các lãnh tụ độc tài ‘coi trời bằng vung’ như Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông…đều đã chết. Nhưng Ông Trời (Thiên Chúa) ‘vẫn sống’ và suốt ngày người ta vẫn kêu Ông Trời ‘Trời ơi!’ (Oh my God! Mon Dieu!...) . Người ta ‘kêu Trời’ cả khi vui, cả khi buồn, cả khi bất mãn, cả khi thỏa lòng.
Người ta kêu Ông Trời để cầu xin:
“Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…”
Người ta cũng kêu Ông Trời để than vãn:
“Trời hành cơn lụt mỗi năm…”
“Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi…”
“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”
Người ta cũng nại đến Ông Trời để thề, để chứng minh lòng thành của mình:
“Hoàng Thiên hữu nhãn!”
“Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân!”
Con người từ thuở xa xưa cũng đã nhận ra ‘có Ông Trời’ và bằng nhiều cách khác nhau tìm cách để ‘cúng vái Ông Trời’. Tại Việt Nam thời các vua chúa, cũng có ‘Điện Thờ Trời’ và ngày đầu năm mới, vua phải thân hành đến điện để cúng Trời và cầu cho ‘quốc thái dân an’.
Quan niệm về ‘Ông Trời’ thật khác nhau tùy theo các chủng tộc, các địa phương và biến chuyển qua thời gian và thường rất mơ hồ. Mỗi bộ lạc, mỗi dân tộc đều có tiếng để chỉ “Ông Trời”. Việt Nam chúng ta có nhiều tiếng để chỉ “Ông Trời”: Trời, Thượng Đế, Hoàng Thiên, Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa...
Con người thường rất sợ Ông Trời và lo lắng để tránh bị Trời phạt tội. Các tai ương, bịnh tật…đều được coi như do Ông Trời gây ra để phạt tội con người. Từ mối sợ hãi mơ hồ này, người ta đã ‘sáng tạo’ ra biết bao “Ông Thần” để thờ cúng: Thần Sông, Thần Núi, Thần thủy, Thần Hỏa… Các tinh tú cũng được gán cho danh hiệu ‘thần’: Thần Mặt Trời, Thần Vénus, Thần Jupiter…
Việc thờ cúng nhiều khi trở thành ‘mê tín dị đoan’, có khi giết người để thờ cúng Thần. Có nơi thờ bò, thờ khỉ, thờ cá ông voi,vv…
Cha ông chúng ta từ ngàn xưa đã nhận ra TRỜI như là Thượng Đế (Vua trên hết các vua). Các vua ở trần gian là con của Trời, vì thế gọi là “Thiên Tử” (Con Trời), ‘thay Trời để trị dân’. Cha ông chúng ta cũng nhận ra chỉ có một Ông Trời. Trong chữ Nho, chữ Trời (Thiên) gồm có bộ ‘nhất’ và ‘đại’ nói lên ‘Trời là vị lớn duy nhất’. Tôi nhớ hồi trước Linh mục Nguyễn Văn Thích (1891-1978), giáo sư Đại Học về Triết Đông, đã say mê giảng về chữ ‘Thiên’ (theo quan niệm triết học Á Đông như trên). Hỏi ra tôi mới biết Cha Thích ( cũng như Cha Bửu Dưỡng , 1907 – 1987) đã nhận ra ‘Ông Trời’ khi còn tuổi thanh niên và đã quyết tâm tìm cách gia nhập vào “Đạo Trời” (Thiên Chúa Giáo) dù gặp bao trở ngại, kể cả việc phản đối mạnh mẽ của gia đình. Chỉ mãi tới tuổi 28, mới được chịu phép “Thánh Tẩy” để gia nhập Giáo Hội công Giáo. Sau đó lại muốn dấn thân đem cả cuộc đời để phục vụ ‘Trời’ và ‘Tha Nhân’, nên đã bỏ mọi sự để ‘đi tu’ làm Linh Mục, và suốt cuộc đời sống khổ hạnh để rao giảng về “Đạo Trời” cho mọi tầng lớp dân chúng, ở các giáo xứ, hay trong các trường Đại Học: “Đạo” không còn phải chỉ là con đường sống cho xứng con người tự nhiên; hoặc không phải chỉ là một nền luân lý, một nền tảng đạo đức để noi theo mà sống ‘đạo làm người’; nhưng ”Đạo” còn là con đường để đi đến với Ông Trời chính danh, Đấng đã dựng nên con người, và vũ trụ, cũng như mọi vật trong vũ trụ, đúng theo nghĩa của ‘Religion’ với nguyên ngữ tiếng La-Tinh ‘Religere’ là “nối kết”; “Đạo” vì thế có nghĩa là con đường đưa ta đến với Trời và đi đến với nhau; nối kết Trời với con người và nối kết con người với nhau. Trời chẳng nhũng là Tạo hóa mà còn là Cha và mọi người đều là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại.
Kinh Thánh (The Bible) cho chúng ta biết Trời đã dựng nên con người ‘theo hình ảnh’ của Trời ( Sách Khởi Nguyên 1,27); vì thế khác hẳn mọi loài vật khác, con người có trí thông minh, biết suy tưởng, có lý luận, biết tìm hiểu và tiến bộ không ngừng. Con người lại được Trời ban cho có ý thức tự do, và vì thế cũng có trách nhiệm: mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính cuộc đời của mình, và liên đới trách nhiệm với tha nhân trong liên hệ gia đình nhân loại. Vì có ‘Tự do’ và ý thức trách nhiệm nên mới ‘có tội’ và ‘có phúc’.
Ông Trời cũng dựng nên con người có ‘Xác’ và có ‘Hồn thiêng’ , và vì thế con người có thể liên kết với Trời là ‘Đấng thiêng liêng’ và con người cũng tồn tại mãi mãi (trường sinh bất tử). Chết chỉ là chết ‘thể xác’ nhưng hồn thiêng vẫn còn sống mãi (Chết là thể phách, còn là tinh anh). Chính khi ‘chết’ lại là lúc con người được bước vào cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh hằng. Vì thế, tiếng Việt Nam rất đúng khi cùng chữ ‘Qua đời’ để chỉ về sự chết: Qua cuộc đời ngắn ngủi này để về cuộc sống vĩnh hằng. Chính vì thế mới có câu nói ‘sống gửi, thác về’, về đâu? Về quê thật là Nước Trời, về với Chúa là Cha, Đấng đã dựng nên mình.
Cũng theo Kinh Thánh, Trời không bao giờ xa con người. Trời đã dựng nên con người theo ‘hình ảnh của Trời’, và không bỏ rơi con người muốn sống thế nào tùy ý (như quan niệm của nhóm Deism). Nhưng Trời vẫn quan phòng mọi sự trên thế giới này để phục vụ con người theo chương trình ‘cứu rỗi’ của Ngài dọc theo dòng lịch sử của nhân loại.
Hơn nữa, để con người hiểu rõ hơn về Trời, chính Trời đã đến với con người, đã ‘nhập thể’ và sống cuộc đời như con người, hòa mình với mọi người, nhất là những người nghèo khó, khổ đau.” Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta” (Gioan 1,14) để tỏ hiện cho con người biết về Thiên Chúa thật và cách thờ phượng Ngài cho đúng cách. Con người đã biết Ngài như Ông Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa v.v… Nhưng Thiên Chúa nhập thể đã dạy cho chúng ta biết “Thiên Chúa là Tình Yêu!” (1 Gioan 4,8). Là Tình Yêu, Ngài cũng là Cha của mọi người chúng ta. Ngài là ‘Cha nhân từ hay tha thứ’ (Xin đoc Luca , chương 15) , chứ không phải là Đấng chỉ nhằm ‘phạt tội’ hay ‘bắt tội’ con người!
Chúng ta là con cái của Chúa , và là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại (Tứ hải giai huynh đệ!). Dù da đen, da trắng, da vàng… Dù nói bao nhiêu thứ tiếng khác nhau, chủng tộc khác nhau… nhưng ‘dị biệt trong Duy Nhất’, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện với Ngài bằng các thứ tiếng khác nhau: “Lạy Cha chúng con…( Mátthêu 6,9…). Có thể sánh ví nhân loại chúng ta như một vườn hoa: Vườn hoa nhân loại có đủ mọi thứ hoa, màu sắc khác nhau, hương thơm khác nhau, thật dị biệt, nhưng lại hòa hợp với nhau thành một sự hài hòa tuyệt vời!
Nếu nhân loại nhận biết và sống theo Tin Mừng tình thương của Chúa, thì nhận loại sẽ có thể sống trong hòa bình, yêu thương như anh em một nhà. Rất tiếc, qua dòng lịch sử, con người đã dùng tự do Chúa ban để chống lại chính Thiên Chúa, sống thác loạn theo tự do vô lối, theo thú tính ích kỷ ham danh lợi thú, chối bỏ Thiên Chúa là Cha, chiều theo các ‘thần giả dối’, thờ ‘ngãu tượng’. Khi con người đã chối bỏ Thiên Chúa, chủ trương ‘vô thần’ thì cũng dễ sống ‘vô luân’ (vô luân thường đạo lý). Khi “ Thiên Chúa đã chết ”, thì nhân loại không còn là một gia đình nữa, con người không còn anh em với nhau mà “Người này là hỏa ngục của người khác!’”(L’Enfer, c’est les Autres, Jean-Paul Sartre). Con người nhìn nhau như thù địch, rình mò hãm hại lẫn nhau, dèm pha, nói xấu, tìm cách để tiêu diệt lẫn nhau. Vì thế, những kẻ vô thần tìm cách lật đổ Thiên Chúa, phá bỏ ‘Thiên đàng’ để quyết tâm xây dựng thiên đàng ngay trên trần thế này , nhưng hóa ra lại xây dựng ‘hỏa ngục’, và con người trở nên ‘qủy dữ’ giết nhau không thương tiếc. Hitler đã giết bao nhiêu triệu người, ngoài sáu triệu người có dòng máu Do Thái. Các lãnh tụ Công sản như Lenine, Stalin, Mao Trạch Đông… đã tàn sát bao nhiêu triệu người để xây dựng thiên đàng hạ giới!

Trong đêm Thiên Chúa giáng sinh làm người để ở giữa chúng ta’ (Emmanuel), các mục đồng cùng với các Thiên Thần đã đến thờ lạy Đấng Hài Nhi mới sinh, và các thiên thần đã hát lời “Vinh danh thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Thiên Chúa đã xuống thế làm người đem bình an đến cho thế giới; nhưng chỉ những người thành tâm thiện chí mới cảm nghiệm được bình an thật của Chúa, mới biết sống yêu thương và chung tay xây dựng hoà bình trong gia đình, trong thế giới.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire